Đất đồng sở hữu chủ yếu được xác lập khi hai hoặc nhiều người góp tiền mua chung thửa đất. So với quyền sử dụng đất là tài sản riêng của cá nhân thì đất đồng sở hữu có một số điều khác biệt khi đứng tên và sang tên Sổ đỏ.
Lưu ý về cách gọi:
– “Đất đồng sở hữu” là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất (bài viết này áp dụng đối với cá nhân có chung quyền sử dụng đất mà không phải là vợ chồng hoặc các thành viên trong gia đình sử dụng đất). Tuy nhiên, Hiến pháp và Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất không có “quyền sở hữu” đất đai mà chỉ có quyền sử dụng đất.
– Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân; tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).
1. Quy định về đứng tên, cấp Sổ đỏ, Sổ hồng
Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”Playvolume00:00/01:04Truvid
Căn cứ quy định trên có thể thấy một số vấn đề sau:
– Quy định về ghi tên: Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
– Cách thể hiện tên trên Giấy chứng nhận: Khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định rõ về cách ghi tên những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
+ Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
+ Thửa đất có nhiều cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp 01 Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó.
Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:… (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)”.
+ Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi “và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này”.
– Số lượng Giấy chứng nhận được cấp: Sẽ cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận (thông tin trên các Giấy chứng nhận giống nhau), trừ trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Quy định về đứng tên và sang tên Sổ đỏ đất đồng sở hữu (Ảnh minh họa)
2. Sang tên Sổ đỏ đất đồng sở hữu
Khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
“Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”
Theo đó, khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của tất cả người chung quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp xảy ra tình trạng chỉ một hoặc một số thành viên muốn chuyển nhượng, tặng cho. Dự liệu được trường hợp này, điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rõ phương án giải quyết như sau:
“Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.”
Như vậy, khi các thành viên khác không đồng ý chuyển nhượng toàn bộ thửa đất thì người có nhu cầu chuyển nhượng phải đề nghị tách thửa (tách phần đất của mình tương ứng với phần quyền sử dụng đất của mình), sau đó chuyển nhượng riêng phần quyền sử dụng đất được tách với điều kiện thửa đất đủ điều kiện tách thửa theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xem chi tiết: Thủ tục tách Sổ đỏ và các khoản tiền phải nộp
Kết luận: Đất đồng sở hữu khi cấp hoặc sang tên Sổ đỏ, Sổ hồng chỉ có một số điểm khác biệt như sẽ ghi tên đầy đủ người có chung quyền sử dụng đất, cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận, trừ trường hợp cử người đại diện.